Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

       Các mẹ có dám 1 lần bỏ lại hết những bộn bề trong công việc, những lo toan cho đức ông chồng cùng lũ nhóc con?
       Đi để mỗi sớm mai tỉnh dậy được tủm tỉm cười khi suy đoán về mấy bố con nheo nhóc ở nhà...
       Đi để được hạnh phúc vào mỗi tối khi nhận điện thoại chúc ngủ ngon, hay chỉ đơn giản là cuộc điện thoại kêu ca vất vả của đức ông chồng, lời mè nheo của lũ nhóc....
       Để là một bà mẹ thông thái, hiểu biết sâu rộng, kho bách khoa toàn thư cho những đứa con yêu...
       Để rồi sau mỗi chuyến đi, các mẹ rạng rỡ trong vẻ đẹp của người phụ nữ tự tin, hiểu biết, hiện đại, đẹp vẻ đẹp của người biết cho và nhận yêu thương....
       Và hơn hết, đi để thấy mình còn trẻ?
       Để yêu mình, yêu người.....
 








Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

 
 

Trên chuyến xe ấy, có cả những bệnh nhân ung thư. Trên chuyến xe ấy, có những người già. Trên chuyến xe ấy có cả những em bé chỉ trên dưới 10 tuổi... Và chúng tôi đến với những bản làng vùng cao của xã Tà Hừa - huyện Than Uyên - Lai Châu, trên chuyến xe ấy.


       Đến với Tà Hừa, chúng tôi đến với ngôi trường bán trú kiêm nội trú của huyện Than Uyên. Ngôi trường có đủ học sinh từ lớp mầm non tới hết lớp 9. Những đứa trẻ ở đây, một buổi đi học, một buổi đi hái măng, hái rau rừng, kiếm củi bán lấy tiền phụ thêm bố mẹ. Trẻ con mầm non ở đây không phải tới trường vì gia đình thực sự muốn bé có con chữ, mà vì anh chị của bé đang học ở trường này. Em tới đây, để các anh chị vừa học, vừa trông nom, lại cũng nhờ thêm được thầy, cô giáo trông giúp.






       Ngôi trường sập sệ với vài phòng học cho cả 10 khối lớp. Những phòng học nền đất, mái không đủ che nắng, vách không đủ ngăn phòng, bàn ghế cái gẫy chân, cái thủng mặt. Nơi ở của các em có khá hơn chút ít vì được che chắn thêm bằng các lớp nilon để tránh gió lạnh và sương đêm của vùng núi cao. Nhưng chăn màn lại thiếu, quần áo cũng không đủ... Mùa đông đến, cả lớp học co ro, đánh vật với cái rét để yêu lấy con chữ thầy cô cho.




      Điều kiện sinh hoạt của thầy cô trong trường cũng không khá hơn là mấy so với học sinh. Những vách liếp dựng lên, quây lại, chỉ dăm ba mét vuông là thành nơi sinh hoạt của cô, của thầy. Nhiều thầy, cô từ dưới vùng xuôi lên đây dạy học, rồi yêu trường, yêu lớp, yêu lũ nhóc học sinh, ở lại luôn xã vùng cao này, lập gia đình, sinh con. Rồi cả gia đình vẫn chỉ vào ra trong cái phòng vách liếp không tới 10 mét vuông ấy.
     Cả thầy cô giáo và học sinh ở đây đều không có nhà vệ sinh. Cuộc sống vô cùng khó khăn.
     Đoàn chúng tôi đến với Tà Hừa là vào những ngày giữa đông. Để đến được đây, chúng tôi đã phải di chuyển 14 tiếng bằng xe ô tô. Ghế ngồi không có chỗ dựa đủ cao, chỉ biết gục đầu xuống ngủ. 14 tiếng đồng hồ, mỗi lần mở mắt ra, nhìn sang 2 bên vẫn thấy là núi, là đèo, là vực.


Rất may mắn cho đoàn, vì khi chúng tôi lên tới nơi thì con đường đất vào trường mới được ủi phẳng xong. Điện cũng mới được dẫn vào cách đây 1 tháng.

 Mệt mỏi vì thời gian ngồi ô tô, nhưng tới nơi, nhìn thấy sự bẽn lẽn, háo hức của lũ nhóc, thấy niềm vui của các thầy cô, chẳng ai còn vương mệt mỏi. Mọi người nhanh chóng bắt tay vào việc, chuẩn bị hiện trường. Phòng này khám bệnh, phòng này phát thuốc, phòng này phát quà, phòng này phục vụ ăn uống cho bọn trẻ con....Công việc trôi chảy vì mọi thứ đã quá quen thuộc với từng người trong đoàn.






   
    ............

     Chúng tôi yêu những đứa trẻ ở đây, khâm phục những thầy cô đã bám trụ lại mảnh đất vùng cao, vùng xa này.
30.05.2015 Thành phố ...
Nóng, nóng như đổ lửa... cả đoàn có chút lo lắng nếu phải căng bạt làm việc dưới cái nắng nóng như này... hơn 60°C (nhiệt độ ngoài trời). Lo hơn cả là nếu để bệnh nhân ở ngoài trời nóng như vậy thì thực sự ko ai đành lòng!!! Cuối cùng đây lại là chuyến khám bệnh thiện nguyện đầu tiên cả đoàn được làm việc trong phòng điều hòa mát lạnh, ko phải hò hét khản cổ, ko cần người phiên dịch như mấy chuyến về vùng núi, ko bị vây kín mít, ko bị đói để làm việc xuyên trưa.... những cảm nhận rất mới'!!

Đoàn lần này về chăm sóc y tế cho những người khiếm thị. Thực sự xúc động!!! Rất nhiều chuyện trở thành kỉ niệm khó quên. Những gia đình có đứa con duy nhất, mù. Những gia đình, 3 đứa con trai, 2 mù, 1 tự kỉ. Những đứa trẻ vị thành niên mang trong mình khiếm khuyết ko được gia đình chấp nhận, mang thai khi tuổi còn quá trẻ, thậm chí ko biết rằng trong bụng mình đang có 1 sinh linh đã 4 tháng tuổi. Ai có thể ngờ những em bé rất xinh xắn kia, những người đang cười nói kia, những đôi mắt sáng long lanh, to tròn, lông mi cong vút.... nhưng ... là đôi mắt ko thấy ánh sáng!!!
Tôi đã nghẹn lời và cảm thấy xấu hổ với chiếc bút dạ đang cầm trong tay khi nghe một em gái trả lời rằng :'chị cho em sờ thuốc để em nhớ, em tự lấy thuốc, em ko có ai lấy hộ.' Cầm tay em sờ từng loại thuốc, tôi cố nhìn gương mặt đang tập trung ghi nhớ của em, em rất xinh, cũng rất thông minh. Lúc đó, tôi thấy mình quá ngu ngốc so với em, tôi như một người máy, làm theo từng câu nói của em... đúng vậy, là làm theo hướng dẫn của em chỉ tôi cách sắp xếp từng loại thuốc để em có thể lấy uống dễ dàng!!!
Tôi cũng thấy những tấm gương nghị lực nơi những con người này. Hội trưởng HNM là một anh chàng có 2 tấm bằng đại học. Hội có 1 ban nhạc riêng, thường xuyên đi biểu diễn nghệ thuật và tham gia nhiều cuộc thi quốc gia.


Tôi cũng thấy cái cách họ đối xử với nhau. Họ là anh em, thậm chí còn hơn anh em ruột thịt. Họ nhường nhịn nhau, người già và trẻ em khám trước, thanh niên khám sau.... ko một lời kêu ca. Lần đầu tiên đoàn được làm việc với những con người có tổ chức và ý thức đến vậy. Họ đùm bọc nhau, người may mắn còn lờ mờ thấy chút ánh sáng sẽ làm đôi mắt cho người kém may mắn hơn. Họ cẩn thận dắt nhau đi, rất chậm... thấy bình yên đến lạ. Họ có những âm thanh riêng để tìm thấy nhau và nhận ra nhau... thật tuyệt vời.
Bữa cơm trưa, cả đoàn ăn cơm với bệnh nhân. Họ nhiều lần nói lời cảm ơn. Chúng tôi được nghe những ca khúc về những miền quê trên dải đất hình chữ S này. Rất vui và xúc động... Tôi lại 1 lần nữa thấy cách những con người này sống với nhau. Họ có những niềm vui mà có lẽ người sáng mắt ko thấy đó là niềm vui, nó quá giản dị, nhưng lại là những cảm xúc chân thật mà người sáng mắt quá vội vã nên lướt qua.
Đoàn chia tay trong sự quyến luyến và mong mỏi 1 lần gặp mặt tiếp theo.
Thành phố này quá nóng, thêm chút tình người, ấy vậy lại làm cái nắng gắt trở thành nắng vàng đẹp lạ, lại làm dịu cái oi bức trưa hè, thành dòng nước mát cho những con người vốn vẫn quá vội vã với những bộn bề cuộc sống....
Một cái note vội vã, từ ngữ cho tới câu cú đều lộn xộn... ko sao, bởi cảm xúc trở lại trong tôi lúc này đang rất chân thực và tôi cũng đang có những suy tư rất rõ ràng