Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

       Các mẹ có dám 1 lần bỏ lại hết những bộn bề trong công việc, những lo toan cho đức ông chồng cùng lũ nhóc con?
       Đi để mỗi sớm mai tỉnh dậy được tủm tỉm cười khi suy đoán về mấy bố con nheo nhóc ở nhà...
       Đi để được hạnh phúc vào mỗi tối khi nhận điện thoại chúc ngủ ngon, hay chỉ đơn giản là cuộc điện thoại kêu ca vất vả của đức ông chồng, lời mè nheo của lũ nhóc....
       Để là một bà mẹ thông thái, hiểu biết sâu rộng, kho bách khoa toàn thư cho những đứa con yêu...
       Để rồi sau mỗi chuyến đi, các mẹ rạng rỡ trong vẻ đẹp của người phụ nữ tự tin, hiểu biết, hiện đại, đẹp vẻ đẹp của người biết cho và nhận yêu thương....
       Và hơn hết, đi để thấy mình còn trẻ?
       Để yêu mình, yêu người.....
 








Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

 
 

Trên chuyến xe ấy, có cả những bệnh nhân ung thư. Trên chuyến xe ấy, có những người già. Trên chuyến xe ấy có cả những em bé chỉ trên dưới 10 tuổi... Và chúng tôi đến với những bản làng vùng cao của xã Tà Hừa - huyện Than Uyên - Lai Châu, trên chuyến xe ấy.


       Đến với Tà Hừa, chúng tôi đến với ngôi trường bán trú kiêm nội trú của huyện Than Uyên. Ngôi trường có đủ học sinh từ lớp mầm non tới hết lớp 9. Những đứa trẻ ở đây, một buổi đi học, một buổi đi hái măng, hái rau rừng, kiếm củi bán lấy tiền phụ thêm bố mẹ. Trẻ con mầm non ở đây không phải tới trường vì gia đình thực sự muốn bé có con chữ, mà vì anh chị của bé đang học ở trường này. Em tới đây, để các anh chị vừa học, vừa trông nom, lại cũng nhờ thêm được thầy, cô giáo trông giúp.






       Ngôi trường sập sệ với vài phòng học cho cả 10 khối lớp. Những phòng học nền đất, mái không đủ che nắng, vách không đủ ngăn phòng, bàn ghế cái gẫy chân, cái thủng mặt. Nơi ở của các em có khá hơn chút ít vì được che chắn thêm bằng các lớp nilon để tránh gió lạnh và sương đêm của vùng núi cao. Nhưng chăn màn lại thiếu, quần áo cũng không đủ... Mùa đông đến, cả lớp học co ro, đánh vật với cái rét để yêu lấy con chữ thầy cô cho.




      Điều kiện sinh hoạt của thầy cô trong trường cũng không khá hơn là mấy so với học sinh. Những vách liếp dựng lên, quây lại, chỉ dăm ba mét vuông là thành nơi sinh hoạt của cô, của thầy. Nhiều thầy, cô từ dưới vùng xuôi lên đây dạy học, rồi yêu trường, yêu lớp, yêu lũ nhóc học sinh, ở lại luôn xã vùng cao này, lập gia đình, sinh con. Rồi cả gia đình vẫn chỉ vào ra trong cái phòng vách liếp không tới 10 mét vuông ấy.
     Cả thầy cô giáo và học sinh ở đây đều không có nhà vệ sinh. Cuộc sống vô cùng khó khăn.
     Đoàn chúng tôi đến với Tà Hừa là vào những ngày giữa đông. Để đến được đây, chúng tôi đã phải di chuyển 14 tiếng bằng xe ô tô. Ghế ngồi không có chỗ dựa đủ cao, chỉ biết gục đầu xuống ngủ. 14 tiếng đồng hồ, mỗi lần mở mắt ra, nhìn sang 2 bên vẫn thấy là núi, là đèo, là vực.


Rất may mắn cho đoàn, vì khi chúng tôi lên tới nơi thì con đường đất vào trường mới được ủi phẳng xong. Điện cũng mới được dẫn vào cách đây 1 tháng.

 Mệt mỏi vì thời gian ngồi ô tô, nhưng tới nơi, nhìn thấy sự bẽn lẽn, háo hức của lũ nhóc, thấy niềm vui của các thầy cô, chẳng ai còn vương mệt mỏi. Mọi người nhanh chóng bắt tay vào việc, chuẩn bị hiện trường. Phòng này khám bệnh, phòng này phát thuốc, phòng này phát quà, phòng này phục vụ ăn uống cho bọn trẻ con....Công việc trôi chảy vì mọi thứ đã quá quen thuộc với từng người trong đoàn.






   
    ............

     Chúng tôi yêu những đứa trẻ ở đây, khâm phục những thầy cô đã bám trụ lại mảnh đất vùng cao, vùng xa này.
30.05.2015 Thành phố ...
Nóng, nóng như đổ lửa... cả đoàn có chút lo lắng nếu phải căng bạt làm việc dưới cái nắng nóng như này... hơn 60°C (nhiệt độ ngoài trời). Lo hơn cả là nếu để bệnh nhân ở ngoài trời nóng như vậy thì thực sự ko ai đành lòng!!! Cuối cùng đây lại là chuyến khám bệnh thiện nguyện đầu tiên cả đoàn được làm việc trong phòng điều hòa mát lạnh, ko phải hò hét khản cổ, ko cần người phiên dịch như mấy chuyến về vùng núi, ko bị vây kín mít, ko bị đói để làm việc xuyên trưa.... những cảm nhận rất mới'!!

Đoàn lần này về chăm sóc y tế cho những người khiếm thị. Thực sự xúc động!!! Rất nhiều chuyện trở thành kỉ niệm khó quên. Những gia đình có đứa con duy nhất, mù. Những gia đình, 3 đứa con trai, 2 mù, 1 tự kỉ. Những đứa trẻ vị thành niên mang trong mình khiếm khuyết ko được gia đình chấp nhận, mang thai khi tuổi còn quá trẻ, thậm chí ko biết rằng trong bụng mình đang có 1 sinh linh đã 4 tháng tuổi. Ai có thể ngờ những em bé rất xinh xắn kia, những người đang cười nói kia, những đôi mắt sáng long lanh, to tròn, lông mi cong vút.... nhưng ... là đôi mắt ko thấy ánh sáng!!!
Tôi đã nghẹn lời và cảm thấy xấu hổ với chiếc bút dạ đang cầm trong tay khi nghe một em gái trả lời rằng :'chị cho em sờ thuốc để em nhớ, em tự lấy thuốc, em ko có ai lấy hộ.' Cầm tay em sờ từng loại thuốc, tôi cố nhìn gương mặt đang tập trung ghi nhớ của em, em rất xinh, cũng rất thông minh. Lúc đó, tôi thấy mình quá ngu ngốc so với em, tôi như một người máy, làm theo từng câu nói của em... đúng vậy, là làm theo hướng dẫn của em chỉ tôi cách sắp xếp từng loại thuốc để em có thể lấy uống dễ dàng!!!
Tôi cũng thấy những tấm gương nghị lực nơi những con người này. Hội trưởng HNM là một anh chàng có 2 tấm bằng đại học. Hội có 1 ban nhạc riêng, thường xuyên đi biểu diễn nghệ thuật và tham gia nhiều cuộc thi quốc gia.


Tôi cũng thấy cái cách họ đối xử với nhau. Họ là anh em, thậm chí còn hơn anh em ruột thịt. Họ nhường nhịn nhau, người già và trẻ em khám trước, thanh niên khám sau.... ko một lời kêu ca. Lần đầu tiên đoàn được làm việc với những con người có tổ chức và ý thức đến vậy. Họ đùm bọc nhau, người may mắn còn lờ mờ thấy chút ánh sáng sẽ làm đôi mắt cho người kém may mắn hơn. Họ cẩn thận dắt nhau đi, rất chậm... thấy bình yên đến lạ. Họ có những âm thanh riêng để tìm thấy nhau và nhận ra nhau... thật tuyệt vời.
Bữa cơm trưa, cả đoàn ăn cơm với bệnh nhân. Họ nhiều lần nói lời cảm ơn. Chúng tôi được nghe những ca khúc về những miền quê trên dải đất hình chữ S này. Rất vui và xúc động... Tôi lại 1 lần nữa thấy cách những con người này sống với nhau. Họ có những niềm vui mà có lẽ người sáng mắt ko thấy đó là niềm vui, nó quá giản dị, nhưng lại là những cảm xúc chân thật mà người sáng mắt quá vội vã nên lướt qua.
Đoàn chia tay trong sự quyến luyến và mong mỏi 1 lần gặp mặt tiếp theo.
Thành phố này quá nóng, thêm chút tình người, ấy vậy lại làm cái nắng gắt trở thành nắng vàng đẹp lạ, lại làm dịu cái oi bức trưa hè, thành dòng nước mát cho những con người vốn vẫn quá vội vã với những bộn bề cuộc sống....
Một cái note vội vã, từ ngữ cho tới câu cú đều lộn xộn... ko sao, bởi cảm xúc trở lại trong tôi lúc này đang rất chân thực và tôi cũng đang có những suy tư rất rõ ràng




Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

Nhiệt độ cơ thể của trẻ sơ sinh thường thấp hơn người lớn. Cơ chế điều hòa thân nhiệt của bé cũng chưa hoạt động tốt như người trưởng thành, nên bố mẹ và người chăm sóc bé cần chú ý không để con bị nóng hay lạnh quá mức
Đo nhiệt độ của trẻ sơ sinh
Mặc dù có thể nhận biết sự thay đổi thân nhiệt của con thông qua xúc giác, khi trong nhà có một bé mới sinh, tốt nhất bố mẹ cần chuẩn bị dụng cụ đo nhiệt độ cho trẻ trong nhà để có thể theo dõi chính xác. Có rất nhiều loại nhiệt kế từ cổ điển cho đến hiện đại giúp bạn nắm bắt nhanh chóng thân nhiệt của con. Nhiệt kế thủy ngân là loại phổ biến nhất, có giá rẻ và độ chính xác cao.
Nhiệt kế thủy ngân là công cụ phổ biến nhất để đo nhiệt độ của trẻ sơ sinh
Nhiệt độ bình thường của trẻ sơ sinh là 36,5  đến 37,5 độ C. Bạn có thể lấy nhiệt độ ở nách, ở hậu môn hay ở tai của bé.
-Khi lấy thân nhiệt ở nách: mẹ đặt nhiệt kế trong khoảng 2 phút, lấy kết quả cộng thêm 0,5 độ. Ví dụ: nhiệt độ ở nách là 36,5 độ C thì nhiệt độ của bé là 37 độ C.
-Nếu lấy nhiệt độ ở hậu môn: Mẹ nhẹ nhàng đặt nhiệt kế ở hậu môn trong 1 phút, nhiệt độ ở hậu môn chính là thân nhiệt của bé.
-Lấy thân nhiệt ở tai: Mẹ cần cộng thêm 0,3 độ nếu đo ở vị trí này.

Sự thay đổi thân nhiệt của bé
Nhiệt độ của bé rất dễ biến động do môi trường bên ngoài. Bé có thể bị mất nhiệt hoặc tăng nhiệt nhanh chóng. Đặc biệt, nếu bé sinh non và nhẹ cân sẽ không có đủ lớp mỡ dưới da để cách nhiệt, dễ bị mất nhiệt. Tương tự, những mắc bệnh về phổi cũng dễ bị hạ thân nhiệt. Hiện tượng mất nhiệt có thể xảy ra ngay cả trong mùa hè.
Với những bé được ủ ấm quá kỹ thì dễ xảy ra tình trạng ngược lại: bé bị nóng bức, tăng thân nhiệt, vã mồ hôi và trở nên bứt rứt, khó chịu. Nhiệt độ cơ thể còn tăng cao do bị nhiễm trùng hoặc bệnh lý nào đó.
Xử lý thân nhiệt bất thường
Không khó để mẹ nhận ra con mình đang nóng hay lạnh. Bằng cách kiểm tra chân, tay, mẹ sẽ nhanh chóng biét  được con đang bị lạnh. Khi bé nóng, không chỉ mồ hôi mà đôi môi đỏ và khô hơn thường lệ cũng là một chỉ báo rõ ràng để mẹ nhận biết. Tùy theo từng trường hợp, mẹ sẽ đưa ra những bước xử lý thích hợp nhé.
- Nếu nhiệt độ của bé thấp hơn 36,5 độ C thì bạn cần ủ ấm ngay cho trẻ sơ sinh.
- Nếu nhiệt độ cơ thể cao hơn  37,5 độ C, bé đang bị nóng. Mẹ nên để bé ở nơi thoáng mát, bỏ bớt chăn cũng như quần áo dày, lau mát, cho trẻ bú nhiều hơn, uống thêm nước nếu cần và theo dõi nhiệt độ cho trẻ.

- Nếu nhiệt độ cao hơn 38 độ C nghĩa là trẻ đang bị sốt. Mẹ cần lau mát ngay và dùng thuốc hạ sốt và sớm đưa trẻ đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế.

Một số địa chỉ tiêm phòng trước khi cưới hoặc mang thai cho mẹ bầu ở Hà Nội
- Trung tâm Y tế dự phòng
50C Hàng Bài. ĐT: 04. 38229263
70 Nguyễn Chí Thanh. ĐT. 04. 37730268
Viện vệ sinh dịch tễ (131 Phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Đường Nguyễn Viết Xuân (Hà Đông)
- Trung tâm tiêm phòng
Địa chỉ: số 35 Trần Bình – Mai Dịch – Cầu Giấy (Đối diện Viện 198). ĐT: 04-3768.5512


Một số địa chỉ tiêm phòng trước khi mang thai cho mẹ bầu ở Hồ Chí Minh:
- Các Trung tâm Y tế dự phòng tại các phường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
- Bệnh viện Đại học Y Dược
Địa chỉ: 221B Hoàng Văn Thụ, Q. Phú Nhuận.
- Viện Pasteur
Địa chỉ: 167 Pasteur, Phường 8, Quận 3 ĐT: 08. 38230352
- Bệnh viện Từ Dũ
Địa chỉ: 284 Cống Quỳnh ĐT: 08. 38391229
Chuyện gì quan trọng hơn việc thụ thai của vợ chồng bạn? Tất nhiên là việc tiêm phòng trước khi mang thai rồi. Tiêm phòng không chỉ giúp mẹ bầu khỏe mạnh hơn mà còn là "tấm vé" an toàn cho sức khỏe bé cưng.
1/ Tại sao nên tiêm phòng trước khi mang thai?
Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động kém hơn bình thường. Nguy cơ nhiễm bệnh của bạn cũng vì vậy mà tăng lên. Một số bệnh chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu thông thường. Tuy nhiên, số khác lại có thể gây những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của bạn và bé cưng trong bụng. Tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ bạn khỏi những nguy hiểm không đáng có này. Ngoài ra, một số loại vắc-xin còn có khả năng giúp bé con tăng sức đề kháng ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Tiêm phòng trước khi mang thai không chỉ đảm bảo sức khỏe cho mẹ mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé ngay từ khi nằm trong bụng mẹ
Vắc-xin có thể được chế tạo từ virut sống, virut chết hoặc từ những độc tố của vi khuẩn đã được giảm động lực. Phụ nữ mang thai không nên tiêm vắc-xin được chế tạo từ virut còn sống vì những nguy cơ dù nhỏ này cũng có thể gây hại cho thai nhi. Vì vậy, nếu đang mong muốn có em bé, bạn nên tiêm phòng ngay từ bây giờ!


2/ Những loại vắc-xin bạn nên tiêm phòng trước khi mang bầu
- Tiêm phòng Rubella: 90% các trường hợp nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây dị tật thai nhi hoặc sảy thai. Virut Rubella gây ảnh hưởng đến não, tim, tai và mắt của thai nhi, thậm chí có thể để lại di chứng khi bé được sinh ra.
- Tiêm phòng sởi: Nếu mắc bệnh sởi khi mang thai, nguy cơ dị dạng thai nhi cũng rất cao. Ngoài ra, bị sởi khi mang thai có thể gây sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.
- Quai bị: Virut quai bị có thể làm viêm nhiễm buồng trứng, đồng thời phá hủy tế bào trứng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Ngoài ra, quai bị có thể gây dị tật bẩm sinh, sinh non và thai chết lưu. Đặc biệt, nếu mẹ bầu bị nhiễm quai bị trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba của thai kỳ.
Hiên nay, bạn có thể chủ động phòng ngừa sởi, quai bị và Rubella chỉ với một mũi vắc-xin 3 trong 1 (MMR). MMR rất hiệu quả và an toàn, có thể giảm từ 90-95% nguy cơ nhiễm bệnh. Một số người có thể đã tiêm phòng MMR khi còn nhỏ và có khả năng miễn dịch với “bộ ba” này. Tuy nhiên, không có gì là chắc chắn cả. Cho dù đã được tiêm phòng từ trước, bạn vẫn nên xét nghiệm lại. Nên tiêm phòng MMR một tháng trước khi cố gắng thụ thai.
Mỗi giai đoạn mang thai sẽ có những thời điểm bạn phải đến “thăm hỏi” bác sĩ. Đa số các xét nghiệm để bảo đảm tình trạng phát triển của bé và mẹ hoàn toàn bình thuờng. Đối với những mẹ bầu lần đầu mang thai, Tôi làm mẹ sẽ mách bạn một vài thời điểm quan trọng nhé!
- Thủy đậu: Đã từng bị thủy đậu hay may mắn thoát khỏi căn bệnh này khi còn nhỏ không có nghĩa bạn hoàn toàn miễn dịch. Thậm chí, nếu đã tiêm phòng thủy đậu khi còn nhỏ, bạn cũng nên tiêm phòng thêm một mũi tăng cường. Giống như MMR, bạn cũng nên tiêm ngừa thủy đậu trước khi mang thai ít nhất khoảng 1 tháng.
- Tiêm phòng cúm trước khi mang thai: Cảm cúm là căn bệnh thường gặp nhất ở Việt Nam. Cảm cúm thông thường sẽ không gây ra những biến chứng gì đặc biệt. Khi mang thai, những cơn cảm cúm kéo dài có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, nhất là cảm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, nếu lỡ mang thai mà chưa kịp tiêm phòng cúm, bạn vẫn có thể tiêm ngừa trong thai kỳ của mình. Vắc-xin phòng ngừa cúm được chế tạo từ những virut đã chết nên rất an toàn với mẹ bầu. Bạn có thể yên tâm.
- Vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung: Nếu dưới 26 tuổi, bạn nên xem xét đến việc tiêm phòng ung thư cổ tử cung. Vắc-xin này bao gồm 3 mũi tiêm, kéo dài trong 6 tháng và không thể tiếp tục nếu như bạn mang thai. Vì vậy, bạn nên tính toán thời gian phù hợp nếu muốn hoàn thành việc phòng ngừa này trước khi bầu.
- Viêm gan siêu vi B: Viêm gan siêu vi B có thể lây truyền thông qua máu và dịch cơ thể. Vì vậy, bạn có thể dễ dàng mắc bệnh này mà không hề hay biết. Không chỉ bạn mà anh xã cũng nên tiêm phòng viêm gan siêu vi B nhé! Vắc-xin phòng ngừa gồm 3 mũi và tiêm phòng trong vòng 4 tháng. Khác với vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung, nếu không hoàn thành 3 mũi viêm gan siêu vi B trước khi mang thai, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục tiêm phòng khi mang thai.
Muốn trẻ sinh ra khỏe mạnh, có sức đề kháng và khả năng miễn dịch cao thì việc phòng ngừa ngay từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ là điều nên làm. Vậy nên theo các chuyên gia y tế tiêm phòng cho phụ nữ mang thai là cần thiết


3/ Một số lưu ý khi tiêm phòng trước khi có thai
MMR, vắc-xin ngừa sởi, quai bị và rubella, được khuyến cáo là loại vắc-xin không nên tiêm phòng khi mang thai. Về lý thuyết, vắc-xin MMR có thể làm mẹ bầu nhiễm Rubella và gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh như chậm phát triển thần kinh, bị dị tật ở mắt, tai… Tuy nhiên, không ít trường hợp mẹ tiêm ngừa MMR trong khi mang thai, bé cưng sinh ra vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Vì vậy, nếu lỡ tiêm phòng MMR trong tam cá nguyệt đầu tiên, nguy cơ dị tật có thể rất thấp. Xét nghiệm ở tuần thứ 18 của thai kỳ có thể giúp bạn xác định nguy cơ này.
Ngoài ra, bắt đầu từ giữa năm 2014, Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm phòng sởi và Rubella (MR). Nếu cơ thể đã miễn dịch với quai bị, bạn có thể lựa chọn tiêm phòng MR trước khi mang thai.


Tiêm phòng trước khi mang bầu là việc làm cần thiết để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Tùy tình trạng sức khỏe, bạn có thể lựa chọn những loại vắc-xin phù hợp cho mình. Ngoài những loại vắc-xin kể trên, bạn nên bổ sung thêm một số loại chủng ngừa khác như viêm gan A, Tdap ( vắc-xin ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván)… trong thai kỳ của mình.

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015


Tiêm vaccine là hành động giúp tạo ra miễn dịch chủ động cho trẻ, để trẻ phòng tránh bệnh. Tuy nhiên, vaccine có thể gây ra một số phản ứng không mong muốn và trong nhiều trường hợp nguy cơ này tăng cao. Do đó, trong một số trường hợp các bố mẹ không nên cho bé đi tiêm.Theo GS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ, không có loại vắc-xin nào tuyệt đối an toàn 100%. Tiêm vắc-xin là đưa vào cơ thể một kháng nguyên, kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch chủ động để dự phòng bệnh. Tùy theo cơ địa và thể trạng của mỗi trẻ mà có thể gặp hoặc không gặp những phản ứng phụ không mong muốn sau khi tiêm vaccine.Theo thống kê của các chuyên gia nhi khoa thì cứ 1 trong 4 trẻ tiêm vắc-xin sẽ có những biểu hiện phản ứng phụ với thuốc. Những biểu hiện thường gặp có thể là sốt, sưng tấy, sưng phồng…trên da.
Khi nào không nên tiêm phòng cho trẻ?
- Không nên tiêm phòng cho trẻ khi trẻ đang sốt, trẻ đang mắc 1 bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi ...), trẻ mới khỏi các bệnh nói trên, còn đang trong thời kỳ hồi sức, trẻ đang bị viêm da mủ, hoặc bệnh chàm ngoài da (eczéma)...
- Không nên tiêm phòng đối với những trẻ đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi tiến triển, tràn dịch màng phổi..., nhất là những trẻ đang mắc bệnh thận mãn tính...
- Tiêm phòng viêm gan B: Trước khi được tiêm chủng, trẻ cần được bác sĩ thăm khám trước. Trẻ chỉ được tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh khi đã bú tốt. Đối với những trẻ đẻ non, cân nặng thấp, trẻ bị đẻ khó, mẹ bị sốt trước, sau khi sinh, nước ối bẩn, con bị ngạt, thai già tháng, trẻ dị tật… cần được thăm khám cẩn thận để tránh các trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên. Đối với những trẻ đang bị ốm, sốt, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thì cần được hoãn tiêm".
- Tiêm phòng lao: nên tránh cho các trẻ sinh non còn quá yếu, quá thiếu cân; các trẻ đang bị bệnh cấp tính; các trẻ đang bị bệnh ngoài da lan rộng, đang tiến triển.
- Tiêm phòng Bạch hầu, uốn ván, ho gà: Trong trường hợp trẻ đang mắc bệnh nhiễm khuẩn, sốt cao, rối loạn thần kinh (co giật, viêm não và các bệnh về não)… không nên tiêm.
- Tiêm phòng sởi: nên tránh cho các trẻ đang bị ung thư máu, các trẻ đang bị suy dinh dưỡng rất trầm trọng, các trẻ đang phải chữa bệnh bằng các loại thuốc corticoid ...
- Tiêm phòng thương hàn: nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh ở thận, đang bị tiểu đường, hoặc đang trong 1 tình trạng có hiện tượng dị ứng trầm trọng ...
- Tiêm phòng bại liệt: Tuyệt đối không được cho uống vắc-xin phòng bại liệt khi trẻ đang bị sốt, bị nôn, tiêu chảy, đang điều trị thuốc corticoid, mắc bệnh ác tính (u lympho, bạch cầu cấp…) hoặc bị nhiễm HIV.
- Tiêm phòng viêm não Nhật Bản: Không được tiêm khi trẻ đang sốt cao, mắc bệnh tim, thận, gan, đái tháo đường, đang mắc bệnh ung thư máu và nhất là trẻ đã từng bị dị ứng với vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
Ngoài những vắc-xin phòng các bệnh trên còn có nhiều loại khác như: thủy đậu, quai bị, cúm, viêm màng não… Tuy nhiên, để tiêm vắc-xin phòng bệnh được an toàn và hiệu quả, tốt nhất trước khi tiêm nên tham khảo ý kiến bác sĩ và hỏi rõ về thời điểm tiêm vắc-xin.
Lưu ý gì khi tiêm phòng cho trẻ?
Trước khi tiêm:
- Không cho trẻ ăn, bú quá no, tuy nhiên cũng không để trẻ đói để tránh tình trạng trẻ bị hạ đường huyết sau khi tiêm;
- Vệ sinh thân thể sạch sẽ để hạn chế nhiễm trùng.
- Khi tiêm phòng, cần cho trẻ mặc trang phục đơn giản để giúp bác sĩ dễ thao tác trong quá trình khám, không mặc quần áo quá bó chặt, ủ ấm quá nhiều;
- Chuẩn bị đủ hồ sơ sức khỏe của bé, đặc biệt là sổ tiêm chủng trước đó;
- Trước khi tiêm nên trao đổi với bác sĩ những biểu hiện sức khỏe của trẻ, có bị suy dinh dưỡng, có mắc bệnh cấp tính (như sốt, viêm phổi, viêm phế quản...), tiền sử bệnh tật, dị ứng với thuốc, hóa chất, thức ăn... để giảm đi những phản ứng bất lợi cho trẻ’;
- Mũi tiêm trước cùng loại đấy bé có bị dị ứng, mẩn đỏ, sốt không. Nếu có thì trao đổi với bác sĩ để chuyển vắcxin khác cũng có tác dụng tương tự.
                               Cần theo dõi trẻ trước, trong và sau khi tiêm vaccine
Sau khi tiêm:
- Ngồi lại theo dõi 15-30 phút, xem có dị ứng với thuốc không.
- Theo dõi khi trẻ về nhà: Theo dõi xem trẻ có sốt không, biểu hiện bên ngoài da, cử chỉ, quấy khóc, bú mẹ có bình thường không, đi ngoài thế nào. Đặc biệt là với những trẻ tiêm lần đầu khi ở 2 tháng tuổi, tiêm mũi đầu tiên và tiêm vắc-xin 5 trong 1.
- Cha mẹ nên chườm mát nơi tiêm (không chườm nóng), cho trẻ uống nhiều nước, bú mẹ nhiều hơn, mặc đồ thoáng.
- Trẻ sốt nhẹ sốt 37-38 độ C thì có thể dùng các biện pháp làm mát, hạ nhiệt, thuốc hạ sốt đặt hậu môn. Nếu sốt trên 38 độ thì dùng thuốc hạ sốt, tác dụng nhanh hơn.
- Phản ứng sau tiêm có nhiều loại: thường gặp, ít gặp, hiếm gặp và rất hiếm gặp. Đa phần các phản ứng sau tiêm đều xảy ra với các loại văc-xin khác nhau. Phản ứng tại chỗ tiêm có thể là sưng, đau, khó chịu, mệt mỏi, có thể sốt nhẹ, phản ứng gần như xảy ra ở các loại văc-xin, phản ứng thông thường.
- Nếu trẻ có biểu hiện bất thường sau tiêm, cha mẹ có thể liên hệ với nhân viên tư vấn hoặc cán bộ y tế xã để được tư vấn. 
- Sau tiêm, trẻ có thể sốt nhưng nếu bình thường thì chỉ sốt một ngày, nhiều lắm là 2 ngày. Nếu trẻ sốt cao hơn 2 ngày thì cha mẹ nên thận trọng, có thể đưa trẻ đến bệnh viện để được cấp cứu và điều trị kịp thời. 
- Một số biểu hiện nặng sau tiêm chủng: sốt cao trên 39 độ C, co giật, chân tay lạnh, tím tái, khó thở, quấy khóc, không đáp ứng thuốc hạ sốt thông thường, bỏ bú, sưng to, đỏ quanh chỗ tiêm... Khi đó, cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện.
Tiêm vaccine giúp tạo ra miễn dịch chủ động để trẻ phòng tránh bệnh tật
Hiện nay, các bậc phụ huynh đã quan tâm hơn đến việc tiêm chủng ngừa cho trẻ. Chắc chắn rằng bậc phụ huynh nào cũng đã tham khảo rất kỹ về các lịch tiêm chủng ngừa cho trẻ, theo độ tuổi, sức khỏe, ... Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số mối lo ngại và lúng túng của phụ huynh về những thông tin ngoài lề về việc chích ngừa cho trẻ. Dưới đây là một số thắc mắc về việc tiêm chủng ngừa cho trẻ khá phổ biến hiện nay.
1.Câu hỏi: Nhiều phụ huynh hiện tại khá bận rộn với lịch làm việc, nên thường không tiêm đầy đủ các loại chủng ngừa cho trẻ. Tuy nhiên, khi các bậc phụ huynh được đề nghị chích nhiều loại vắc-xin cùng một lúc thì phần lớn họ đều e ngại là không an toàn cho trẻ, sợ sức khỏe và cơ thể trẻ không chịu được nhiều loại vắc-xin cùng một lúc.
Trả lời: Không có chống chỉ định đối với chích đồng thời các loại vắc-xin.
Nghiên cứu cho thấy cơ thể của trẻ, ngay cả trẻ sơ sinh, có thể dung nạp nhiều loại vắc-xin cùng một lúc. Chích nhiều loại vắc-xin cùng một lúc vẫn an toàn, ngay cả đối với trẻ sơ sinh. Nhờ các tiến bộ trong khoa học, hiện nay có nhiều vắc-xin hơn vài năm trước đây, chúng ta có thể bảo vệ trẻ chống lại nhiều bệnh hơn bao giờ hết.
Lợi ích của chích nhiều mũi vắc-xin cùng lúc là muốn chủng ngừa cho trẻ càng nhanh càng tốt để bảo vệ trẻ trong những tháng đầu của cuộc sống. Chích nhiều mũi cùng lúc có nghĩa là số lần đưa trẻ đi chích ngừa ít hơn, điều này tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc cho cha mẹ. Ngoài ra, trẻ đau và khóc một lần còn hơn là đau và khóc nhiều lần, bé sẽ có ấn tượng về chích ngừa. Hơn nữa, ở Việt Nam, chuyện hết vắc-xin có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, chích nhiều mũi vắc-xin cùng lúc cũng giúp cho bé được chích đầy đủ vắc-xin và không bị thiếu vắc-xin khi thuốc hết.
Một số cha mẹ lo lắng rằng chích quá nhiều loại vắc-xin cùng một lúc sẽ “áp đảo” hệ thống miễn dịch của con mình. Nhưng cơ thể của trẻ chống lại vi trùng mỗi ngày, hệ thống miễn dịch của trẻ sẵn sàng và giữ cho trẻ khỏe mạnh!
Nhũ nhi và trẻ em tiếp xúc với nhiều vi trùng hàng ngày khi chơi, ăn uống, và thở. Hệ thống miễn dịch chống lại vi trùng, còn gọi là kháng nguyên, để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Lượng kháng nguyên mà trẻ em chiến đấu mỗi ngày (2,000-6,000) là nhiều hơn so với các kháng nguyên trong các mũi vắc xin phối hợp hay khi chích cùng lúc quá nhiều mũi vắc-xin. Vì vậy, hệ thống miễn dịch của trẻ em không bị “choáng ngợp” bởi nhiều vắc-xin.
Vắc-xin phối hợp bảo vệ con bạn chống lại được nhiều bệnh, giảm số mũi chích ngừa.

2.Câu hỏi: Tôi nghe nói rằng một số vắc xin có thể gây ra chứng tự kỷ. Điều này có đúng không?
Trả lời: Không đúng
Khoa học nghiên cứu và đánh giá là không có mối quan hệ giữa vắc-xin và bệnh tự kỷ. Nhóm các chuyên gia, bao gồm Hội nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) và Viện Y khoa (IOM), cũng đồng ý rằng vắc-xin không chịu trách nhiệm về số trẻ em có chứng tự kỷ.

3.Câu hỏi: Con tôi đang bị bệnh, có chích ngừa được không?
Trả lời: Có, thông thường, trẻ em có thể được chích ngừa ngay cả khi trẻ có một bệnh nhẹ như đau tai, cảm lạnh, sốt nhẹ, hoặc tiêu chảy.
Nếu bác sĩ khám và nói rằng con bạn có thể chích ngừa được thì bạn có thể yên tâm cho trẻ chích ngừa. Mặt khác, nếu con bạn đi khám vì một bệnh nào đó, mà bệnh đó không nghiêm trọng hoặc đó là lúc bệnh đang giai đoạn hồi phục, bác sĩ có thể đề nghị chích ngừa cho bé những vaccine còn thiếu.

4.Câu hỏi: Khoảng cách giữa 2 lần chích ngừa là bao lâu? Nếu trễ 1 mũi thì sao?
Trả lời: Không có khoảng thời gian tối thiểu giữa các liều vắc-xin bất hoạt khác nhau. (Vắc-xin bất hoạt như: vắc-xin bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, Hib, viêm gan A, B, não mô cầu, viêm não Nhật Bản B…)
- Tuy nhiên, có khoảng thời gian tối thiểu giữa các vắc-xin cùng loại. Ví dụ: 2 mũi viêm gan A cách nhau ít nhất 6 tháng. Viêm não Nhật Bản B, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tuần, mũi thứ ba cách mũi thứ nhất 1 tháng hoặc 1 năm đều được.
Vắc-xin sống như Sởi-Quai bị-Rubella, Trái rạ, Lao, Bại liệt uống (OPV) nếu không được chủng ngừa cùng lúc thì phải cách nhau ít nhất 4 tuần.
Bất cứ trình tự thời gian giữa các vắc-xin sống và vắc-xin bất hoạt, hoặc vắc-xin sống đường uống và bất cứ loại vắc-xin khác, đều chấp nhận được.
Nếu chích ngừa trễ, không cần phải bắt đầu lại từ đầu, chích mũi bị trễ và tiếp tục các mũi theo lịch. Nói cách khác, chỉ áp dụng khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 mũi cùng loại mà không cần tính thời gian tối đa.

5.Câu hỏi: Trẻ không rõ đã mắc bệnh, hay không rõ chích ngừa bệnh đó hay chưa, nếu chích ngừa lại, thì có hại gì không?
Trả lời: Không có hại.
Ví dụ: Nếu không rõ đã mắc bệnh thủy đậu hoặc chích ngừa thủy đậu hay chưa, thì nên Chích ngừa!
Đối với một số bệnh, chích ngừa được chỉ định ngay cả khi người đã có bệnh, ví dụ: trẻ em <2 tuổi nhiễm Hib (nhiễm trùng không gây miễn dịch hiệu quả).
Thuốc chủng ngừa cúm nên chích mỗi năm cho dù trẻ có mắc bệnh cúm trong quá khứ.
Ngoại lệ: Polysaccharide phế cầu khuẩn và BH-UV-HG, các phản ứng phụ nhiều hơn khi liều lượng ngày càng tăng, ví dụ những mũi vắc-xin BH-UV-HG sau dễ tạo một cục sưng ở chỗ chích hơn mũi đầu.

6.Câu hỏi: Trẻ chích ngừa viêm gan A mũi 1 của công ty GSK, giờ chích mũi 2 mà hết thuốc, có chích thuốc của công ty khác được không?
Trả lời là: Được.
Vắc xin của các nhà sản xuất khác nhau có thể được hoán đổi cho nhau.
BS Nguyễn Trí Đoàn
Vacxin giúp tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ.
 Dưới đây là 12 loại vacxin mà các bậc cha mẹ cần tiêm cho trẻ.
1. Vacxin ngừa viêm gan B
Bé sơ sinh cần được tiêm vacxin phòng ngừa viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh; khoảng từ 1 – 2 tháng sau bạn nên tiêm cho bé một liều vacxin tương tự; khi bé được 6 – 18 tháng, bạn tiếp tục tiêm cho bé 1/3 so liều lượng đầu sau khi sinh. Vacxin giúp bé chống lại virus gây viêm gan B, loại virus mà bé có thể nhiễm từ mẹ (nếu người mẹ bị nhiễm virus này khi mang thai).
Tác dụng phụ thường gặp nhất khi trẻ tiêm vacxin viêm gan B là sốt nhẹ hoặc sưng tấy và đau ở chỗ tiêm.
2. Vacxin DTaP
Vacxin DTaP bảo vệ trẻ tránh bệnh bạch hầu ( một loại vi khuẩn khiến cổ họng của trẻ bị xám đen), uốn ván (bệnh gây co thắt cơ bắp, làm tổn thương đến cấu trúc xương của trẻ) và ho gà (căn bệnh phổ biến, dễ lây lan, nhưng lại rất khó kiểm soát).
Bạn nên tiêm vacxin DTaP cho trẻ khi trẻ được 2 tháng tuổi, 4 tháng tuổi, 6 tháng tuổi, 15 – 18 tháng tuổi và 4 – 6 tháng tuổi.
Để giảm số lần tiêm, bạn có thể tiêm kết hợp DTaP trong những lần tiêm chủng cho bé. Chẳng hạn, DTaP có thể tiêm cùng vacxin ngừa viêm gan B hay vacxin phòng bại liệt…
3. Vacxin MMR
Vacxin MMR giúp trẻ phòng ngừa bệnh sởi (gây sốt cao và phát ban ở trẻ nhỏ); quai bị (gây sưng mặt, sưng tuyến nước bọt, sưng ‘cậu nhỏ’ của bé trai); rubella (còn gọi là bệnh sởi Đức) (có thể gây ra dị tật bẩm sinh cho trẻ).
Bạn nên tiêm cho trẻ liều vacxin MMR đầu tiên khi trẻ 12 – 15 tháng tuổi và tiêm liều thứ hai khi trẻ 4 – 6 tuổi.
Đôi khi, vacxin MMR có thể được tiêm kết hợp cùng vacxin ngừa thủy đậu.
4. Vacxin ngăn ngừa thủy đậu
Bệnh thủy đậu là nỗi ám ảnh của khá nhiều người khi lớn. Bệnh do virus thủy đậu gây ra và có thể gây nhiễm trùng cũng như rất nhiều biến chứng khác nhau.
Tốt nhất, khi trẻ được 12 – 15 tháng tuổi bạn nên tiêm vacxin ngừa thủy đậu cho trẻ lần 1 và tiêm mũi thứ hai khi bé được 4 – 6 tuổi.
Đối với trẻ nhạy cảm, triệu chứng thường thấy khi tiêm vacxin là sốt hay phát ban nhẹ.
5. Vacxin Haemophilus cúm B (Hib)
Vacxin Haemophilus cúm B là loại vi khuẩn gây bệnh viêm màng não – một loại bệnh thường thấy và đặc biệt nguy hiểm cho trẻ dưới 5 tuổi.
Nên tiêm vacxin Hib khi trẻ được 2 tháng tuổi, 4 tháng tuổi, 6 tháng tuổi và 12 – 15 tháng tuổi.
Tác dụng phụ thường thấy ở trẻ khi tiêm vacxin Hib là sốt, tấy đỏ hoặc sưng ở vết tiêm.
12 loại vaccine cần tiêm cho trẻ và thời điểm tiêm ngừa
6. Vacxin phòng tránh bại liệt (IPV)
Vacxin phòng ngừa bệnh bại liệt là một thành công đáng kể trong y học. Trẻ có thể tử vong nếu mắc virus gây bại liệt. Chính vì vậy, cha mẹ nên tiêm vacxin phòng ngừa bại liệt khi trẻ được 2 tháng tuổi, 4 tháng tuổi, 6 – 18 tháng tuổi và khi trẻ được 4 – 6 tuổi nên cho trẻ đi khám lại và tiêm mũi tiếp theo.
7. Phế cầu khuẩn liên hợp (PCV)
Loại vacxin này được biết đến với tên gọi PCV 13 ( tên thường gọi là Prevnar 13). Vacxin bảo vệ trẻ chống lại virus gây viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng máu… những virus có thể dẫn đến tử vong cho trẻ nhỏ.
Với vacxin này, có tổng cộng 4 mũi tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi, 4 tháng tuổi, 6 tháng tuổi và 12 – 15 tháng tuổi.
Tác dụng phụ sau khi tiêm thường gặp ở trẻ là buồn ngủ, tấy sưng ở chỗ tiêm, sốt nhẹ hoặc trẻ cau có, khó chịu.
8. Vacxin ngăn ngừa bệnh cúm
Mỗi năm, tiêm chủng phòng ngừa bệnh cúm cho trẻ nên được bắt đầu vào mùa thu, khi trẻ được 6 tháng tuổi hoặc hơn.
Trẻ có thể bị đau nhức, sưng tấy ở chỗ tiêm, sốt nhẹ… khi tiêm vacxin phòng ngừa cúm.
Mẹo nhỏ: Nếu con bạn bị dị ứng trứng, bạn không nên tiêm vacxin phòng cúm cho bé vì bé có thể sẽ dị ứng với vacxin này.
9. Vacxin phòng ngừa virus Rota (RV)
Virus Rota là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp, ói mửa ở trẻ em. Trước khi vacxin phòng ngừa virus này được nghiên cứu thành công năm 2006 thì mỗi năm có khoảng 55.000 trẻ em Mỹ phải nhập viện vì nhiễm virus này.
Vacxin ngừa virus Rota được sản xuất dưới dạng chất lỏng có thể sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, nôn mửa hoặc tiêu chảy nhẹ sau khi sử dụng.
10. Vacxin phòng ngừa viêm gan A
Ăn, uống không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân gây viêm gan A ở trẻ nhỏ.  Trẻ có thể viêm gan, sốt, mệt mỏi, vàng da, chán ăn… khi nhiễm virut gây viêm gan A.
Thông thường, trẻ nên được tiêm mũi đầu ngừa viêm gan A khi 12 tháng tuổi và mũi thứ 2 khi trẻ được 23 tháng tuổi.
Tình trạng đau ở chỗ tiêm, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi… là hiện tượng thường thấy sau khi trẻ tiêm vacxin.
11. Vacxin phòng ngừa viêm màng não (MCV4)
Vacxin bảo vệ trẻ khỏi vi khuẩn viêm màng não – bênh phổ biến có thể lây nhiễm ở các màng quanh não và tủy sống.
MCV4 có tác dụng tốt nhất khi trẻ được tiêm ở độ tuổi 11 hoặc 12 tuổi. Khi tiêm vacxin này, tác dụng phụ thường thấy là cảm giác đau nhức ở chỗ tiêm.
12. Human papillomavirus (HPV) – Vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung
Vacxin HPV được chia thành 3 lần tiêm  cho trẻ trên 6 tháng. Vacxin có tác dụng tốt nhất cho các em gái ở độ tuổi từ 9 – 26 tuổi.
Loại vắc xin này bảo vệ trẻ khỏi 2 virus lây truyền qua đường tình dục , gây ung thư cổ tử cung.